Tiếp thị bán hàng [CẨM NANG KHỞI NGHIỆP P6]

Bạn có thể làm ra những sản phẩm/dịch vụ tốt nhất thế giới, nhưng nếu không một ai biết về chúng, thì bạn cũng không thể bán chúng cho ai cả. Đó là lý do tại sao hoạt động tiếp thị và quảng cáo lại đóng vai trò quan trọng đặc biệt trong giai đoạn khởi sự kinh doanh.

55. Bạn hãy đưa ra cho mọi người một lý do để tin tưởng.

Thông thường, các chủ doanh nghiệp luôn cho rằng mọi khách hàng sẽ tin tưởng công ty và sản phẩm/dịch vụ của họ, bởi vì bạn bè và người thân của họ luôn nói như vậy. Tuy nhiên, một chiến lược tiếp thị hiệu quả phải bao gồm rất nhiều các yếu tố khác nhau nhằm tạo ra sự tin tưởng đối với công ty, sản phẩm hay dịch vụ của bạn. Bạn đừng nói: “Bánh ngọt của chúng tôi có hương vị thơm ngon nhất”, mà hãy nói: “Bánh ngọt của chúng tôi có đậm hương vị sôcôla hơn, bởi vì chúng tôi sử dụng nhiều sôcôla hơn so với các đối thủ cạnh tranh”. Điều đó sẽ đem lại cho khách hàng của bạn một lý do để tin rằng sản phẩm của bạn thực sự tốt hơn.

56. Truyền tải một thông điệp rõ ràng.

Đôi khi các chủ doanh nghiệp nhỏ lầm tưởng rằng các đặc tính của sản phẩm chính là lợi ích của nó. Tuy nhiên, đặc tính là những gì sản phẩm vốn có, trong khi lợi ích là những gì mà khách hàng sẽ đón nhận, thưởng thức và trải nghiệm. Vì vậy, bạn đừng bán cho khách hàng cuốn sách, mà hãy bán cho họ kiến thức nằm trong cuốn sách đó. Khách hàng cần biết đâu là những lợi ích dành cho họ. Sau khi xác định được đâu là lợi ích và làm thế nào để bán chúng, nhiều công ty bắt đầu bổ sung ngày một nhiều lợi ích hơn. Các nghiên cứu đã khẳng định rằng bạn cần nổi bật với duy nhất một chi tiết mà thôi. Bạn hãy tập trung vào yếu tố mà sản phẩm hay dịch vụ của bạn khiến mọi người phải thốt lên “Tuyệt vời!” và thôi thúc họ tiến hành giao dịch mua sắm với công ty bạn.

57. Lựa chọn kỹ lưỡng thông điệp tiếp thị trước khi quảng bá.

Chủ doanh nghiệp mới thường gặp phải nhiều trở ngại khi giao dịch với các phương tiện quảng cáo. Những tờ báo địa phương, đài phát thanh, truyền hình và nhiều phương tiện khác đều có thể lấy đi của bạn thật nhiều tiền bạc. Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng thông điệp tiếp thị luôn là yếu tố quan trọng nhất trong bất kỳ hoạt động tiếp thị nào. Bạn có thể bỏ ra hàng trăm triệu USD để quảng cáo trong giờ cao điểm, nhưng nếu nội dung quảng cáo của bạn không hiệu quả, không thu hút được sự chú ý thì số tiền đó sẽ trở nên vô nghĩa. Như vậy, không phải phương tiện truyền thông, mà chính là thông điệp sẽ tạo ra sự khác biệt cho chương trình quảng cáo, tiếp thị của bạn.

58. Thử nghiệm, thử nghiệm.

Bạn nên liên tục thử nghiệm các thông điệp quảng cáo và loại bỏ những nội dung nào không thích hợp. Từ việc sử dụng các công cụ bán hàng qua điện thoại đến việc gửi đi các tấm thiệp tiếp thị định kỳ với những chào hàng khác nhau, bạn hãy thường xuyên thử nghiệm, thu thập kết quả và cố gắng áp dụng những biện pháp thành công nhất.

59. Hoạch định cho một tương lai lâu dài.

Một khi bạn đã xây dựng được kế hoạch tiếp thị và quảng cáo, có nghĩa là bạn sẽ gắn bó với chúng trong một thời gian khá dài. Thông thường, các công ty nhỏ chỉ xem tiếp thị và quảng cáo như một hoạt động nhất thời. Họ tiến hành tiếp thị để thúc đẩy doanh số bán ra và sau đó do quá bận rộn mà không thực thi bất kỳ hoạt động tiếp thị nào nữa. Đó là một sai lầm. Vì thế, bạn cần đầu tư cho một kế hoạch tiếp thị và quảng cáo dài hạn, ổn định để không ngừng thu hút các khách hàng mới và đưa tên tuổi của bạn lên vị trí vững chắc trên thị trường.
60 – 65: Bán hàng như một chuyên gia thực thụ
Mọi người đều biết rằng bán hàng là một phần quan trọng quyết định thành công trong kinh doanh, bởi vì nếu không có khách hàng, thì không một doanh nghiệp nào có thể tồn tại. Vì vậy, bạn cần phải có một kế hoạch kỹ lưỡng để đưa sản phẩm/dịch vụ từ công ty tới tận tay các khách hàng.

60. Hiểu rõ bản thân bạn.

Bạn hãy tự hỏi: tại sao người ta sẽ mua sản phẩm/dịch vụ của bạn. Việc có được thông tin về cảm nhận của khách hàng đối với sản phẩm/dịch vụ của bạn, những lợi ích của nó và nó đáp ứng các nhu cầu của khách hàng như thế nào… sẽ đem lại cho bạn sự tự tin cần thiết khi bán hàng. Và sự tự tin đó sẽ thể hiện qua giọng nói và thái độ của bạn, giúp bạn trở thành một nhân viên bán hàng thành công.

61. Tiếp nhận những lời nói “không”.

Khi khách hàng thường xuyên từ chối không nên trở thành một yếu tố khiến bạn nản lòng. Hoạt động bán hàng chịu ảnh hưởng bởi quy luật của các con số. Cho dù khách hàng nói “không”, nhưng nếu bạn vẫn kiên nhẫn tiếp xúc với khách hàng, bạn sẽ có được các kết quả tiến triển rõ rệt.

62. Tìm ra lý do tại sao.

Hiện nay vẫn còn quá ít công ty tiếp tục quan tâm đến khách hàng sau khi giao dịch mua sắm đã hoàn tất. Lời khuyên cho bạn ở đây là hãy không ngừng đưa ra các câu hỏi sau khi kết thúc một giao dịch mua sắm và tìm hiểu lý do tại sao khách hàng quyết định mua sản sản phẩm/dịch vụ mình đang cung cấp.

63. Lên kế hoạch cho các chu trình kinh doanh.

Mỗi một loại hình kinh doanh lại có một chu trình bán hàng riêng biệt. Trong suốt thời gian xúc tiến chiến lược bán hàng, một khách hàng có thể cần được tiếp xúc nhiều lần. Hãy sử dụng kiến thức chuyên môn và những nghiên cứu về đối thủ cạnh tranh của bạn để xác định chu trình bán hàng của bạn cần phải tổ chức như thế nào. Bạn có thể đạt được những đột phá doanh số bán ra trong suốt mùa vụ kinh doanh không? Bạn có chấp nhận đầu tư thời gian để có được một giao dịch mua sắm không? Việc mua sắm chỉ được thực hiện vào các dịp đặc biệt của khách hàng trong năm? Khi nắm vững các nhân tố tạo ra một giao dịch mua sắm, bạn sẽ có thể hoạch định tốt hơn các hoạt động bán hàng của mình.

64. Hướng dẫn, chỉ bảo khách hàng.

Nhiều chuyên gia bán hàng cho rằng việc dành thời gian để hướng dẫn, tư vấn khách hàng về sản phẩm/dịch vụ là lãng phí. Nhưng bạn không nên theo lối mòn đó. Bạn phải luôn trao đổi, chỉ bảo các khách hàng, chia sẻ thời gian với họ và làm cho họ thấy tại sao sản phẩm/dịch vụ của bạn lại tốt hơn các đối thủ cạnh tranh.

65. Lựa chọn các kênh bán hàng thích hợp.

Lựa chọn kênh bán hàng thích hợp để sản phẩm/dịch vụ của bạn được cung cấp ra thị trường một cách tốt nhất là công việc vô cùng quan trọng. Hãy điểm lại vô số các lựa chọn (kinh doanh bán lẻ, catalogue và các nhà phân phối độc lập, trang web bán hàng, tiếp thị trực tiếp…) mà bạn có thể tổ chức để bán sản phẩm, đồng thời tìm kiếm các cách thức khác nhau để tối đa hoá lợi nhuận. Vào thời gian đầu, bạn có thể nghĩ rằng mình sẽ chỉ bán hàng thông qua các quầy hay cửa hàng bán lẻ trên đường phố, nhưng sau đó, bạn phát hiện ra một kênh phân phối khác là bán hàng trực tuyến – thông qua trang web của bạn, qua một nhà bán lẻ trực tuyến hay thậm chí cả trên eBay. Việc mở ra một kênh mới hoàn toàn có thể đẩy mạnh doanh số bán hàng và mở rộng đáng kể thị phần sản phẩm/dịch vụ của bạn.
0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x