Tam Quốc Diễn Nghĩa – tiểu thuyết nổi tiếng của La Quán Trung – không chỉ đơn thuần là cuốn sách ghi lại một trong những thời đại loạn lạc bậc nhất lịch sử Trung Quốc, mà còn là tác phẩm chứa đựng nhiều bài học sâu sắc về kinh doanh.
1. Kết nghĩa đào viên: Một mục tiêu, một lý tưởng.
Đối với đọc giả tam quốc, sự kiện kết nghĩa vườn đào của Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi có lẽ đã quá quen thuộc. Và, hoàn cảnh của một Tây Thục có phần chắp vá khi đó không khác là mấy so với những gì mà một startup phải trải qua: Xuất phát điểm ban đầu chỉ là ý tưởng. Trong khi Ngụy hay Ngô sở hữu đầy đủ mọi nguồn tài nguyên cần thiết và cả một đế chế “chống lưng” phía sau, Thục không có gì ngoài 3 “nhà đồng sáng lập” với tài sản duy nhất là một ước mơ chung, một lý tưởng chung và một mục tiêu chung.
Khi ấy, dù có tiếng là mang trong mình dòng máu hoàng thất, song Lưu Bị và hai người anh em thực sự không có bất cứ thứ gì ngoài khát vọng khôi phục nhà Hán. Thành thực mà nói, mãi sau trận Xích Bích, Thục mới có khái niệm gọi là kinh đô đóng quân. Và, dù nhiều lần Lưu Bị phải nương nhờ dưới trướng người khác, song, sợi dây liên kết giữa 3 anh em Lưu – Quan – Trương không vì thế mà bị cắt đứt.
Bài học: Để khởi nghiệp thành công, các nhà sáng lập nhất thiết phải có chung một mục tiêu và lý tưởng. Bởi vì, khi đi lên từ hai bàn tay trắng, khó khăn và vấp ngã là điều không thể nào tránh khỏi. Việc sở hữu một mục tiêu chung cũng như một lý tưởng chung sẽ giúp cho các thành viên sáng lập đoàn kết hơn trước những tình huống khó khăn hay mâu thuẫn, vốn xuất phát từ sự khác biệt trong suy nghĩ và cách thức làm việc. Nếu không thể chia sẻ cùng một mục tiêu và lý tưởng, thì chắc chắn những thành viên sáng lập – hạt nhân của startup – không thể đi cùng nhau đến ngày cuối cùng.
2. Tam cố thảo lư: Lòng nhẫn nại và khiêm tốn
Tại Tân Dã, Lưu Bị được nghe về danh tiếng cùng tài năng của Gia Cát Lượng nên đã không kể thân phận mình mà quyết định đích thân đến mời ông ra giúp sức. Hai lần đầu ghé thăm, cả ba anh em đều không gặp Gia Cát Lượng. Trong đó, lần thứ 2, cả ba gặp phải trận tuyết lớn song vẫn cố đến nơi, vì Lưu Bị cho rằng đội gió tuyết mà đi mới tỏ được lòng thành.
Đến lần thứ 3, cả Quan Vũ cũng không vui, ngỏ ý không muốn đến. Song, Lưu Bị nhất định muốn đi. Đến nơi, Lưu Bị kiên nhẫn đứng đợi Gia Cát Lượng ngủ một giấc rồi mới kính cẩn bàn việc lớn. Sau khi nghe Gia Cát Lượng phân tích tình hình khi ấy, Lưu Bị liền quỳ xuống mà khẩn cầu ông giúp đỡ. Cảm động bởi sự chân thành, khiêm tốn của Lưu Bị, Gia Cát Lượng đã nhận lời và sau này giúp Thục đạt được nhiều thành tựu lớn.
Bài học: Trên con đường kinh doanh nói chung hay khởi nghiệp nói riêng, lòng nhẫn nại và sự khiêm tốn là 2 yếu tố cực kỳ quan trọng. Con đường lập thân, lập nghiệp vốn không trải hoa hồng, song không phải là bất khả thi. Sẽ có lúc, thậm chí cả những người đồng sáng lập công ty cũng sẽ khuyên bạn từ bỏ một điều gì đó. Nhưng, hãy kiên nhẫn, vì mỗi một thất bại là mỗi một bước đệm đưa ta đến gần hơn với mục tiêu.
Ngoài ra, người doanh nhân cũng cần phải biết vứt bỏ cái tôi của mình mà nghiêm túc học hỏi và tiếp thu với tấm lòng cầu thị. Bởi vì, ý tưởng của bạn chưa chắc đã là độc nhất và thật sự nổi bật như những gì bạn vẫn tưởng tượng đâu.
3. Lựa chọn Hoàng Trung: Dùng người chính xác
Hoàng Trung – một trong “ngũ hổ tướng” của Thục – được Tam Quốc Diễn Nghĩa miêu tả là một lão tướng song có sức địch muôn người. Lưu Bị, vì ý thức được tài năng và sự trung thành của ông, nên vẫn phong Hoàng Trung làm Hậu tướng quân, vị trí ngang hàng với Quan Vũ (Tiền tướng quân), bất chấp tuổi tác của ông đã cao.
Bài học: Điều quan trọng để sử dụng nhân viên là thực lực chứ không phải các yếu tố bên ngoài. Đừng xem thường nhân viên già! Bởi vì đôi khi họ còn làm tốt hơn nhân viên trẻ.
Phàm là người, ai cũng có những suy nghĩ và định kiến của riêng mình. Trên cương vị một người lèo lái doanh nghiệp, nếu doanh nhân không thể vượt trên những định kiến của bản thân, thì có thể sẽ đánh mất đi một nhân tài hiếm có. Và, tệ hơn nữa là nhân tài ấy rất có thể sẽ đầu quân cho đối thủ của bạn. Cả Gia Cát Lượng lẫn Lưu Bị đều hiểu rằng, để có thể tiếp tục con đường chinh phạt, thì một tướng quân dày dạn kinh nghiệm như Hoàng Trung là vô cùng quan trọng.
4. Tiến chiếm Thành Đô: Xác định đúng thị trường
Gia Cát Lượng đã tâu với Lưu Bị tiến chiếm Thành Đô và lựa chọn nó làm kinh đô của Thục. Nguyên do là nơi đây địa thế hiểm trở, dễ giữ, khó đánh, lại có đất đai màu mỡ, sản vật phong phú và giao thông thuận lợi, vô cùng thích hợp cho việc phát triển kinh tế cũng như xây dựng quân đội. Nhưng, quan trọng hơn, Thành Đô được Gia Cát Lượng lựa chọn vì nó sở hữu vị trí đắc địa, phù hợp để Thục đối trọng với 2 nước Ngụy và Ngô.
Bài học: Xác định đúng thị trường mục tiêu là chìa khoá cho kinh doanh thành công. Đối với doanh nghiệp của bạn, “Thành Đô” sẽ là nơi nào? Xác định đúng thị trường mục tiêu sẽ giúp cho doanh nghiệp có chiến lược marketing đúng đắn, giảm chi phí truyền thông và tạo lợi thế cho cạnh tranh.
Ngoài ra, việc xác định đúng đối tượng sẽ giúp doanh nghiệp có chiến lược thích nghi phù hợp với đặc thù của từng thị trường địa phương. Chẳng hạn như việc Amazon Ấn Độ có dịch vụ bán hàng, chính sách hoa hồng và phí vận chuyển hoàn toàn khác so với Amazon Mỹ. Một người bán hàng trên Amazon Mỹ phải trả 8% hoa hồng với mỗi chiếc điện thoại bán được (không bao gồm phí hàng năm là 40 USD). Song, tại Ấn Độ, người bán chỉ phải trả 5% (không phải chịu phí hằng năm). Nguyên do là vì giữa Amazon và Flipkart tại Ấn Độ có sự cạnh tranh quyết liệt về số lượng người bán hàng mới
5. Trận Xích Bích: Hợp tác chiến lược
Trước trận Xích Bích, Nguỵ là quốc gia có thực lực mạnh nhất trong 3 nước và Tào Tháo đang dẫn quân bình định phương Nam với số lượng áp đảo. Trước tình thế đó, Thục nhận ra bản thân quá yếu để có thể chiến đấu một mình. Trong khi đó, Đông Ngô lại là quốc gia sở hữu vị trí then chốt, vì họ vốn quen thuộc với thủy chiến. Thế nên, để đẩy lùi Ngụy, Gia Cát Lượng, bằng tài ngoại giao của mình, đã thuyết phục Đông Ngô liên minh để kháng quân Tào.
Bài học: Nếu là một startup hay đơn giản là một doanh nghiệp nhỏ, bạn hoàn toàn có thể tự liên hệ mình với tình thế của Tây Thục. Khi kinh doanh, thông thường, doanh nghiệp sẽ luôn gặp phải một đối thủ như Bắc Ngụy – lớn, mạnh hơn về mọi mặt và sẵn sàng thâu tóm toàn bộ thị trường. Nhưng, cũng sẽ có những công ty khác giống như Đông Ngô – quy mô trung bình và có tiềm năng tốt.
Sẽ có lúc, bạn buộc phải chấp nhận sự thật rằng không thể đương đầu trực diện với một đối thủ lớn mà cần thiết phải có kế hoạch liên minh chiến lược. Dù việc thuyết phục một ông chủ như “Đông Ngô” thiết lập quan hệ đối tác là không dễ dàng, song đó là điều cần thiết để đảm bảo sự sống sót của doanh nghiệp trong cuộc chiến giành thị phần.